Trả lời:
Tai có cơ chế tự làm sạch mà không cần can thiệp. Ống tai có tuyến nhờn tiết ra chất dịch giúp tạo độ ẩm, kết dính bụi bẩn, tế bào chết, lông tóc, chất tiết từ tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi. Lớp lông mao nhỏ ngăn cản ráy, dị vật rơi sâu vào tai ảnh hưởng đến màng nhĩ. Khi nhai, nói chuyện, hệ thống lông mao chuyển động nhẹ nhàng và liên tục nhằm đẩy ráy ra phía cửa tai, sau đó khô thành cục rồi tự rơi ra ngoài.
Tuy nhiên, với cấu tạo có nhiều khe, kẽ, nhất là tai trẻ có vòi nhĩ hẹp, ngắn, nằm ngang hơn so với người lớn, các hoạt động bơi lội, lặn hoặc dầm mưa khiến nước lọt vào trong tai dễ ứ đọng. Độ pH trong ống tai thay đổi cũng tạo cơ hội cho vi sinh vật, virus, vi khuẩn, nấm trong nước xâm nhập vào tai, dễ viêm nhiễm.
Nước muối sinh lý (NaCl) có nhiều công dụng đối với sức khỏe, an toàn cho trẻ nhỏ. Đây là dung dịch đẳng trương có thành phần muối Natri 0,9%, có áp suất thẩm thấu tương đương với các dịch của cơ thể trong điều kiện bình thường. Sản phẩm thường được khuyên dùng để vệ sinh mắt, mũi, miệng, thích hợp với mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ, đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy so với huyết thanh người, nước muối sinh lý vẫn có nồng độ Na cao hơn gần 10%, nồng độ Cl cao hơn 50%, độ pH 5,4 (trong khi pH bình thường trong máu là khoảng 7,3-7,4). Người đang đặt ống thông khí ở tai, có chàm gần tai, thủng màng nhĩ, miễn dịch suy yếu, bệnh tiểu đường... được khuyến cáo không nên rửa tai bằng dung dịch này.
Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh kiểm tra tai cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Nếu con bạn không thuộc nhóm chống chỉ định nêu trên có thể vệ sinh tai bằng nước muối sinh lý. Nếu tai không bị viêm nhiễm, ráy tai khô, vón cục, ảnh hưởng đến thính giác có thể dùng chế phẩm dạng phun sương chuyên dụng xịt vào ống tai làm tan ráy. Bạn nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý, day nhẹ vào vành tai cho nước muối thấm vào trong ống tai và đợi vài giây cho ráy mềm hơn. Sau đó, bạn gắp ráy ra ngoài bằng dụng cụ chuyên dụng và lau khô tai.
Lưu ý không nên thực hiện hàng ngày vì dễ tạo môi trường ẩm ướt trong tai. Nước muối sinh lý nên chọn loại được tiệt trùng tại nhà thuốc. Tránh tự pha chế do không đảm bảo vệ sinh, không pha đúng tỷ lệ, có thể gây hại cho niêm mạc tai. Tránh đặt đầu ống nước muối sâu trong tai vì dễ làm trầy xước, tổn thương ống tai.
Nếu tai có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc tổn thương sâu, việc nhỏ nước muối sinh lý chỉ hấp thu được qua cấu trúc da, lớp mỡ dưới da mà không thẩm thấu vào sâu dưới lớp da, phần sụn hoặc xương. Lúc này, nước muối sinh lý không có tác động diệt khuẩn mà chỉ giúp làm sạch, rửa trôi vi khuẩn trên bề mặt. Nhỏ, rửa tai không đúng cách khiến tổn thương hoặc nhiễm trùng tăng nặng. Mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thực hiện.
Để tránh khả năng viêm tai do mắc mưa, đi bơi, phụ huynh nên dạy trẻ nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau nước sẽ chảy ra ngoài. Lấy tăm bông sạch đã được tiệt trùng đặt ở ống tai ngoài trong khoảng 3-5 phút để thấm hút nước trong tai. Khi trẻ bơi, phụ huynh nên trang bị kính bơi, nút tai, mũ bơi có chất liệu mềm, chống nước để ngăn nước ngấm vào tai. Không để trẻ bơi ở ao hồ, sông ngòi tù đọng, ô nhiễm nguồn nước.
Nếu trẻ có các biểu hiện đau tai, sốt, ngứa tai, đau tai, ống tai chảy dịch vàng đục, bạn cần đưa bé đi khám, điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
Bác sĩ Nguyễn Đức MinhTrung tâm Tai Mũi HọngBệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp