Ngày 10/11, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết người bệnh bị đau đầu suốt 5 ngày, đau nhiều vùng trán và thái dương. Chị đi khám tại bệnh viện gần nhà, được kê thuốc đau đầu nhưng không cải thiện. Trước vào viện một giờ, chị đột ngột ngất, hôn mê, nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, chỉ định theo dõi và điều trị phối hợp nhiều phương thức để cải thiện các triệu chứng thần kinh, ngăn ngừa biến chứng, tránh tái phát. Hiện, bác sĩ tìm nguyên nhân gây bệnh, người bệnh không có tiền sử bệnh nền.
Bác sĩ tập phục hồi chức năng cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Khi cơn đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút trôi qua sẽ làm mất 2 triệu tế bào thần kinh. Do đó, phải tiếp cận điều trị càng sớm càng tốt. Với đột quỵ nhồi máu não, bệnh nhân vào viện sớm trong 4,5 giờ đầu có thể điều trị hiệu quả với thuốc tiêu sợi huyết, đa số hồi phục gần như hoàn toàn. Các thống kê ghi nhận khoảng 40% người sau đột quỵ gặp di chứng trung bình, phải sống cảnh tàn phế, phụ thuộc một phần. 30% bệnh nhân tàn phế nặng, phải sống phụ thuộc, sống thực vật, tử vong.
Nhồi máu não là một trong những tình huống cấp cứu y khoa khẩn cấp, với "cửa sổ thời gian" vàng để điều trị hiệu quả chỉ kéo dài trong 4, 5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Nếu không kịp thời can thiệp, bệnh nhân có thể đối mặt với hàng loạt di chứng nặng nề như: liệt vận động, méo miệng, khó nói, mất ý thức hoặc tàn phế, tử vong.
Đột quỵ không có vaccine dự phòng, cũng không có viên thuốc "thần dược" nào giúp phòng ngừa. Tuy nhiên, khoảng 80% đột quỵ có thể phòng ngừa nhờ loại bỏ, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Khi xảy ra các dấu hiệu đột quỵ, cần lựa chọn vào bệnh viện gần nhất nhưng phải có khả năng điều trị đột quỵ. Việc vào cấp cứu sai nơi có thể làm chậm trễ thời gian vàng, ảnh hưởng kết quả hồi phục của bệnh nhân.
Thùy An