Diễn viên hài độc thoại Tony Hinchcliffe, 40 tuổi, tối 27/10 được mời diễn thuyết tại sự kiện vận động của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ở thành phố New York. Đây là một trong những cuộc mít tinh cuối cùng của ông Trump, khép lại hành trình vận động qua nhiều bang để thuyết phục cử tri bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa vào tuần sau.
Nhưng trong sự kiện quan trọng như vậy, Hinchcliffe lại đưa ra những câu đùa mang tính phân biệt chủng tộc, chia rẽ, như mô tả Puerto Rico là "hòn đảo đầy rác rưởi trôi nổi giữa đại dương", nói những lời khiếm nhã về người da màu và gốc Latin.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cảng Baltimore ngày 29/10. Ảnh: AP
Phát ngôn vạ miệng của Hinchcliffe châm ngòi làn sóng chỉ trích và giận dữ lan rộng tới mức chiến dịch của ông Trump lo ngại sự kiện sẽ là cơ hội để bà Harris giành lợi thế ở bang chiến trường Pennsylvania, nơi có nhiều cử tri gốc Puerto Rico.
Tuy nhiên, trong lúc chiến dịch của bà Harris đang tận dụng cơ hội này để giành ưu thế trước Trump, cấp trưởng của bà, Tổng thống Joe Biden, lại mắc sai lầm trong cuộc gọi video qua Zoom với Voto Latino, một nhóm vận động cử tri gốc Latin vào tối 29/10.
"Thứ rác rưởi duy nhất đang trôi nổi ngoài kia là những người ủng hộ ông Trump", ông Biden nói, dường như không có trong kịch bản. "Coi thường người Latin là quá mức, không đúng với tinh thần Mỹ".
Ông lên án Hinchcliffe nhưng lại gọi những người ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa là "rác rưởi", khiến Nhà Trắng phải lập tức lên tiếng giải thích. Phát ngôn viên Andrew Bates cho hay ông Biden dùng từ đó để chỉ những lời lẽ mang tính thù hận trong cuộc vận động ở New York, chứ không phải tất cả người ủng hộ ông Trump.
Theo Bates, câu mà ông Biden muốn nói thực tế là: "Thử rác rưởi duy nhất đang trôi nổi ngoài kia mà tôi thấy là lời lẽ bôi xấu người Latin vô lương tâm mà người ủng hộ của ông ấy đã đưa ra, điều không phù hợp với văn hóa Mỹ".
Tổng thống 81 tuổi sau đó lên mạng xã hội giải thích, dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng đã nhận ra tác động mà câu nói có thể gây ra.
"Trước đó tôi đã gọi những lời lẽ thù hận về Puerto Rico mà người ủng hộ của ông Trump nói ra tại buổi mít tinh ở Madison Square Garden là rác rưởi. Đây là từ duy nhất tôi có thể dùng để mô tả hành động ấy. Việc ông diễn viên bôi xấu người gốc Latin là vô lương tâm, đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Tất cả lời lẽ trong buổi mít tinh đó không phản ánh được chúng ta là ai với tư cách một dân tộc", ông Biden viết trên mạng xã hội X.
Nhưng lần nói hớ này của ông Biden đã gây hậu quả, tạo cơ hội để phe Trump phản công. Câu nói của ông lập tức được các thành viên Cộng hòa mang ra so sánh với phát biểu của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Cliton năm 2016 rằng một nửa số người ủng hộ ông Trump nên "bị ném vào rổ những kẻ xấu xa" vì mang quan điểm "phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị đồng tính, bài ngoại, kỳ thị Hồi giáo".
Câu nói của bà Clinton đã trở thành khẩu hiệu tập hợp đoàn kết giữa ông Trump và phe truyền thông bảo thủ, đồng thời được người ủng hộ của ông Trump coi đó là huy chương danh dự khi họ luôn chê trách thái độ trịch thượng của giới tinh hoa đảng Dân chủ ở Bờ Đông.
Câu nói hớ của ông Biden diễn ra chỉ nửa tiếng trước khi bà Harris lên sân khấu Ellipse bên ngoài Nhà Trắng, đưa ra bài phát biểu khép lại chiến dịch tranh cử trước hàng chục nghìn người ủng hộ. Trong diễn văn quan trọng này, bà Harris chỉ trích ông Trump là "bạo chúa", cam kết thúc đẩy đoàn kết và hợp tác toàn diện nếu bà đắc cử.
Tuy nhiên, thông điệp lẽ ra đánh dấu sự kết thúc của một chiến dịch tranh cử lại bị suy yếu bởi "vạ miệng" của ông Biden và bà Harris sáng hôm sau phải giải quyết hậu quả, khi phe Cộng hòa tăng cường công kích ứng viên Dân chủ.
"Trước hết, ông Biden đã giải thích rõ ràng câu nói của mình. Nhưng tôi cũng phải nói thẳng: Tôi vô cùng không đồng tình với việc chỉ trích người khác dựa trên việc họ bỏ phiếu cho ai", bà nói.
"Mọi người hẳn đã nghe tôi diễn thuyết tối qua cũng như nghe thấy những gì tôi đã nói trong suốt sự nghiệp của mình. Tôi tin rằng công việc mà mình làm là đại diện cho tất cả mọi người dù họ ủng hộ tôi hay không", bà nhấn mạnh.
"Tôi xin chân thành bày tỏ: khi được bầu làm tổng thống Mỹ, tôi sẽ đại diện cho tất cả người Mỹ, kể cả những người không bỏ phiếu cho tôi, sẽ giải đáp mọi nhu cầu và mong muốn của họ", ứng viên tổng thống đảng Dân chủ tuyên bố.
Ông Trump đi vận động tranh cử trên xe rác để đáp trả ông BidenÔng Trump đi vận động bằng xe rác để đáp trả ông Biden ở Green Bay, ngày 30/10. Video: Sky News Australia
CNN nhận định phát ngôn của ông Biden diễn ra đúng thời điểm bà Harris đang nỗ lực thể hiện là người có năng lực đoàn kết nhằm giành ủng hộ của cử tri Cộng hòa đang bất mãn với ông Trump nhưng vẫn chưa sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ.
Dù có ý gì chăng nữa, ông Biden đã trao "cơ hội vàng" cho phe ông Trump để đảo ngược tình thế, ít nhất là trên mặt trận truyền thông. Sau khi nghe phát biểu này, trợ lý của Trump đã lập tức lên sân khấu, ghé tai thông báo với Trump khi ông đang phát biểu trong cuộc vận động ở Allentown, bang Pennsylvania tối 29/10.
"Ồ. Thật kinh khủng. Họ nói thế à. Các bạn nhớ không, bà Hillary từng nói những từ như 'xấu xa', 'không thể cứu vãn', phải không? Bà ấy chỉ trích chúng ta bất thành. Tôi nghĩ từ 'rác rưởi' này còn nghiêm trọng hơn, các bạn có thấy thế không?", ông Trump nói trước đám đông ủng hộ.
Trong cuộc vận động một ngày sau, Trump tiếp tục xoáy sâu vào vấn đề này. "Joe Biden cuối cùng cũng nói ra suy nghĩ thực sự của ông ta và Kamala về người ủng hộ đảng Cộng hòa", ông nói. "Ông ấy gọi họ là rác rưởi. Họ thực sự nghĩ thế".
Đội ngũ tranh cử của ông Trump nhanh chóng bám vào phát biểu của ông Biden để tạo lợi thế cho cựu tổng thống, tuyên bố lực lượng ủng hộ ông là "cử tri gốc Latin, người da đen, công nhân công đoàn, những người mẹ có con bị người nhập cư trái phép sát hại, nhân viên thực thi pháp luật, tuần tra biên giới và tất cả người Mỹ mộ đạo", trong khi đối thủ của ông "gọi những người Mỹ tuyệt vời này là phát xít, Đức Quốc xã, còn bây giờ là rác rưởi".
"Thực tế không thể chối cãi là Joe Biden và Kamala Harris không chỉ ghét Tổng thống Trump mà còn coi thường hàng chục triệu người Mỹ ủng hộ ông", Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói.
Phát ngôn khác cũng gây tranh cãi gần đây của ông Biden là ý định bỏ tù ông Trump khi nói "hãy nhốt ông ta lại" trong chuyến dừng chân ở văn phòng tranh cử tại New Hampshire ngày 22/10. Ông Biden dừng lại giây lát rồi nói thêm: "Nhốt ông ấy về mặt chính trị. Ngăn chặn ông ấy. Đó là những gì chúng ta phải làm".
Nhưng phe ông Trump chớp lấy thời cơ, lập luận rằng 4 bản cáo trạng và một bản án kiện ông Trump là cuộc săn phù thủy do đảng Dân chủ tiến hành, dù không có bằng chứng cho thấy ông Biden đứng sau các vụ truy tố.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu vận động tranh cử tại Madison, bang Wisconsin, ngày 30/10. Ảnh: AP
Jim Manley, cố vấn lâu năm của các lãnh đạo đảng Dân chủ, cho rằng phát biểu của Tổng thống Biden có thể không gây ảnh hưởng thực sự lớn tới cục diện bầu cử, nhưng ông "cảm thấy xót xa" khi chứng kiến chiến dịch của bà Harris phải "dốc tinh thần và sức lực cũng như thời gian quý báu đi giải thích những gì ông Biden đã nói".
Trong gần hai tháng cuối của chiến dịch tranh cử, bà Harris đã song hành cùng cựu tổng thống Barack Obama và những người nổi tiếng khác của đảng Dân chủ, nhưng không xuất hiện cùng ông Biden trong bất kỳ buổi vận động nào.
Giới quan sát cho rằng bà Harris đang phải đối mặt với bài toán khó là làm thế nào để cân bằng giữa việc không tỏ ra thiếu tôn trọng cấp trên trực tiếp, trong khi vẫn phải thể hiện rõ vị thế độc lập của bản thân trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Chuck Rocha, chiến lược gia đảng Dân chủ, nhận định bà Harris đã khôn ngoan khi lựa chọn con đường này.
"Bà ấy muốn tạo một trang sử mới", ông nói. "Bà ấy yêu quý Biden, tôn trọng ông ấy nhưng phải tự tìm ra con đường thoát khỏi cái bóng của ông ấy. Có một điều mà bà ấy và Donald Trump đều phải làm, đó là trở thành người đem lại sự thay đổi quyết định. Mà nếu có ông Biden, bà ấy sẽ không làm được".
Hồng Hạnh (Theo AP, CNN)