Tắt 'đã xem' tin nhắn - quyền riêng tư hay vô trách nhiệm?

19/09/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Ý Kiến
Tắt 'đã xem' tin nhắn - quyền riêng tư hay vô trách nhiệm?

Gần đây, cô bạn của tôi và chồng cãi nhau to vì câu chuyện trả lời tin nhắn chậm. Theo chia sẻ, ban đầu cô vợ nhắn tin, ứng dụng hiển thị chồng "đã xem" nhưng không trả lời ngay, mà vài chục phút sau, thậm chí cả tiếng sau mới trả lời.

Dù anh chồng giải thích là đang ở công ty không tiện xem và trả lời tin nhắn, nhưng cô vợ không tin. Bảo đây là cố tình. Khi anh chồng tắt trạng tháng hoạt động và tính năng thông báo đã xem tin nhắn, cô vợ suy diễn là chồng đã chán mình.

Ở công ty của tôi, sếp nhiều lần cũng phát bực vì một số nhân viên tắt thông báo đã xem tin nhắn. Tôi cũng hiểu được tâm lý của họ. Đa phần sếp nhắn tin giao việc, hỏi han tiến độ sau giờ làm. Nhắn trong group chung, ai xui xẻo lỡ bấm vào xem thì phải trả lời. Nếu nhắn trong nhóm không thấy ai trả lời, sếp sẽ nhắn riêng cho từng người.

Những người ủng hộ việc tắt "đã xem" tin nhắn cho rằng đây là một cách để bảo vệ quyền riêng tư của bản thân. Họ cho rằng mỗi người đều có quyền kiểm soát thông tin cá nhân của mình và không bắt buộc phải trả lời tin nhắn ngay lập tức. Việc tắt tính năng này giúp họ chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian và trả lời tin nhắn. Ngoài ra, nó còn giúp tránh những áp lực xã hội, đặc biệt khi phải đối mặt với những tin nhắn không mong muốn.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng việc tắt "đã xem" là vô trách nhiệm cũng có những lý lẽ riêng. Nhiều người cho rằng hành động này gây hiểu lầm cho người gửi tin nhắn, khiến họ cảm thấy bị bỏ qua hoặc không được tôn trọng. Trong một số trường hợp, việc trì hoãn trả lời có thể làm hỏng mối quan hệ giữa các cá nhân.

Theo tôi câu trả lời không hề đơn giản mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tính chất của mối quan hệ, mục đích của cuộc trò chuyện, tính cách của mỗi người, văn hóa giao tiếp... đều ảnh hưởng đến quyết định có nên tắt "đã xem" hay không.

Ví dụ, trong một mối quan hệ thân thiết, việc tắt "đã xem" có thể gây hiểu lầm và làm tổn thương người kia. Ngược lại, trong một mối quan hệ làm việc, việc này có thể giúp bạn tập trung vào công việc và tránh bị phân tâm bởi các tin nhắn không liên quan hoặc những tin nhắn bị xem là phiền phức, khi đã hết giờ làm.

Nhưng khi người gửi không nhận được phản hồi, họ có thể cảm thấy lo lắng, bối rối và tự hỏi liệu mình có làm điều gì sai hay không. Điều này có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có và làm cho mối quan hệ trở nên căng thẳng. Cả cô bạn tôi và ông sếp đều cho rằng chuyện trả lời tin nhắn sớm muộn gì cũng làm, tại sao không làm luôn, vì lười, hay vì vô trách nhiệm?

Ngọc Minh

Tin liên quan
Tin Nổi bật