Trầm cảm vì cơn đau zona thần kinh

23/12/2024
|
0 lượt xem
Mẹo Tư Vấn Sức Khỏe Vaccine
Trầm cảm vì cơn đau zona thần kinh

Ông Đức khởi phát bệnh vào năm 2022 với các mụn nước, bọng nước tập trung từng chùm trên nền da đỏ kèm đau đầu, đau tay... Tuy nhiên, ông chủ quan không thăm khám. Đến ngày thứ 14, dù các mụn nước đã lành, ông Đức vẫn cảm thấy đau nhức nên đi khám và được chẩn đoán đau dây thần kinh sau zona.

Tiêm thuốc giảm đau theo đầu dò siêu âm và uống thuốc giảm đau hàng ngày, nhưng hơn hai năm qua các cơn đau vẫn chưa thuyên giảm. "Từ ngày mắc bệnh tôi cảm thấy bản thân thừa thãi, đến việc nhỏ như quét nhà cũng làm không được", ông tâm sự.

Bác sĩ chẩn đoán ông Đức bị trầm cảm và là lý do khiến bệnh zona trầm trọng hơn. Ông tìm đến thiền và yoga, tập thể dục, kết nối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũ nên dần thoát chứng trầm cảm nhưng các cơn đau thần kinh do zona vẫn chưa buông tha.

Ông Nguyễn Hữu Đức được tiêm vaccine zona thần kinh ở VNVC. Ảnh: Kim Oanh

Bà Lê Thị Bạch Tuyết (62 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng mắc zona thần kinh vào đầu năm 2024. Thời gian đầu, bệnh chỉ biểu hiện bằng những bọng nước nhỏ xuất hiện ở sau lưng gây đau rát. Lo sợ bọng nước lan rộng, bà Tuyết dùng mực tàu thoa lên nhưng bọng nước lại dày và lan rộng hơn kèm ngứa, đau rát.

"Các cơn đau âm ỉ. Tôi phải ở trong nhà suốt một tháng để trị bệnh bằng thuốc nam nhưng tình hình không khả quan. Đến khi VNVC triển khai tiêm vaccine phòng zona thần kinh, tôi đã đến trung tâm gần nhà để khám và tiêm", bà Tuyết nói.

Zona thần kinh (giời leo) là bệnh nhiễm trùng da gây nên do virus Varicella Zoster (VZV), với các tổn thương da dạng ban đỏ, mụn nước, bọng nước thành đám dọc theo đường phân bố của dây thần kinh ngoại biên, thường khu trú ở một bên cơ thể. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh tự miễn, stress, điều trị tia xạ, ung thư...

Theo nghiên cứu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, tỷ lệ mắc zona thần kinh và nguy cơ biến chứng gia tăng nhanh ở người sau 50 tuổi. Nguyên nhân do tình trạng lão hóa, suy giảm miễn dịch, lớn tuổi. Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh zona ở người trẻ là 3,4 trên 1.000 người mỗi năm và ở người trên 65 tuổi lên tới 11,8 trên 1.000 người mỗi năm. Theo đại diện VNVC, tại nước ta, phần lớn người bệnh chỉ tới bệnh viện khi đau nhiều, dai dẳng, vùng tổn thương rộng. Những cơn đau sau khi mắc zona kéo dài khiến nhiều người gặp trầm cảm như ông Đức, bà Tuyết.

Các vết mụn nước trên lưng cô Tuyết vào thời kỳ đầu khởi phát bệnh. Ảnh: NVCC

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm, Trưởng khoa Khoa Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các mụn nước, bọng nước của zona dễ nhầm lẫn với bệnh viêm da tiếp xúc do ký sinh trùng, bệnh da do kiến ba khoang; đau nhức do zona lại nghĩ đau do xương khớp, đau thần kinh tọa. Do đó, khi mắc bệnh nhiều người tự chữa bằng các mẹo dân gian như đắp các loại lá, thoa mực tàu... lên vùng da đang nhiễm khuẩn khiến bụi bẩn, vi khuẩn, các hoạt chất trong các loại lá cây xâm nhập vào vết thương khiến bệnh trở nặng hơn.

Theo bác sĩ Lâm, việc bỏ lỡ thời gian "vàng" điều trị thuốc kháng virus mang lại nhiều bất lợi. Biến chứng bội nhiễm thường tạo ra những tổn thương da sâu, viêm loét da nặng, chảy dịch mủ, sưng đau, di chứng đau thần kinh sau zona khó kiểm soát. Nếu bị zona ở vị trí trọng yếu là mắt, virus có thể tấn công vào giác mạc gây viêm loét, nhiễm trùng ổ mắt, ảnh hưởng thần kinh thị giác, tổn thương mắt như tăng nhạy cảm với ánh sáng, sưng mí mắt, viêm kết mạc, viêm và sẹo giác mạc, suy giảm thị lực, mù lòa.

Bên cạnh đó, đau sau zona là một biến chứng thường gặp. Đây là hội chứng gây ra tình trạng đau dai dẳng ở khu vực từng bị phát ban trong hơn 90 ngày sau khi phát ban. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Các yếu tố nguy cơ cao gồm trên 50 tuổi, người bị zona mức nặng hoặc tổn thương ban nặng, người bị zona ở mặt hoặc thân và không điều trị sớm trong vòng 72 giờ sau khi ban đỏ xuất hiện. Tỷ lệ đau sẽ tăng dần theo tuổi, trong đó tăng từ 5% ở người 60 tuổi, 10% ở người 60-69 tuổi và 20% ở người từ 80 tuổi.

Để tránh biến chứng của zona, bác sĩ Lâm khuyến cáo mọi người tới các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu thăm khám ngay khi xuất hiện các mảng đỏ, mụn nước trên da. Người bệnh nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế cào gãi gây vỡ mụn nước, nhiễm trùng thứ phát và để lại sẹo. Đồng thời, trong thời gian nổi mụn nước, người bệnh nên tránh tiếp xúc với người chưa từng bị thủy đậu để tránh bệnh lây lan, nhất là với người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ em.

"Cả thủy đậu và zona thần kinh đều do cùng một tác nhân gây bệnh, là virus Varicella Zoster (VZV). Bất kỳ ai từng mắc thủy đậu đều có thể bị zona thần kinh", bác sĩ Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ thêm.

Hiện nay, zona thần kinh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người dân có thể tiêm vaccine ngừa zona thần kinh. Việt Nam đã có vaccine phòng zona thần kinh Shingrix do hãng dược phẩm GSK (Bỉ) sản xuất. Bác sĩ Bạch Thị Chính, cho biết, vaccine có hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, từ 70-87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý (người bị suy giảm miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch do bệnh lý hoặc liệu pháp điều trị...). Vaccine đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và biến chứng khác, tỷ lệ đến 90%. Người từ 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. Người từ 18 tuổi trở lên và nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.

Diệu Thuần - Hải Miên

Tin liên quan
Tin Nổi bật